Sáng nay (1/6), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, ở phạm vi toàn cầu, bức tranh kinh tế năm 2023 không tươi sáng, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, lạm phát cao, tổng cầu giảm, thương mại toàn cầu chậm lại...
Ở nước ta từ đầu năm 2023 đến nay xuất khẩu giảm 11.8%, nhập khẩu giảm 15%; tốc độ tăng GDP quý I/2023 giảm 2.58 điểm tương ứng 43.7% so với mức 5.9% của quý IV/2022; số doanh nghiệp mới tham gia thị trường giảm; trong khi tình trạng mất việc làm tăng.
Nhìn nhận đây là giai đoạn khó khăn đối với các doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế, đại biểu Nghĩa cho rằng Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này.
"Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm Kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.
Đồng thời, ông Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, cho người dân; Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại; Quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề an sinh xã hội phát sinh do khó khăn của doanh nghiệp mang lại; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh để kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển.
Nhìn nhận nhân lực đây là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021- 2030.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, để một mặt, phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, một mặt, chuẩn bị các điều kiện cần thiết thích ứng với thời kỳ dân số già sẽ xảy ra trong tương lai.
"Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau, đại biểu Nghĩa nói.