Kết quả khả quan
Dự án GKN do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng là đơn vị thực hiện, trong các năm từ 2014 – 2019. Dự án có mục tiêu là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN tại Việt Nam.
Dự án gồm 5 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1, bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng GKN. Hợp phần 2, xây dựng năng lực kỹ thuật về việc ứng dụng, vận hành công nghệ GKN và sử dụng các sản phẩm GKN. Hợp phần 3, hỗ trợ cung cấp tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ GKN. Hợp phần 4, ứng dụng công nghệ GKN, đầu tư và nhân rộng. Hợp phần 5, quản lý và tổ chức thực hiện dự án.
Báo cáo tại cuộc họp, Quản đốc dự án Đỗ Giao Tiến cho biết: Dự án đã thực hiện 3 năm nhưng triển khai thực tế là 2,5 năm, tương đương một nửa thời gian triển khai toàn bộ dự án.
Kết quả bước đầu, dự án đã hỗ trợ ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng (VLXD); Nghị định 139/NĐ- CP về quy định xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; Thông tư 13/2017/TT – BXD quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.
Dự án đồng thời hỗ trợ xây dựng khung nhiệm vụ tiêu chuẩn – quy chuẩn nhằm hướng dẫn sản xuất và sử dụng sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN), trong đó, 3 tiêu chuẩn Việt Nam về sản phẩm GKN đã được ban hành. 11 tỉnh, TP đã ban hành, kế hoạch, chính sách xóa bỏ các loại lò gạch đất nung (trừ lò tuynen) và phát triển VLXKN.
Ông Đỗ Giao Tiến nhận định: Việc ban hành các chính sách như Nghị định 24a/2016/NĐ-CP, Nghị định 139/NĐ- CP; hoàn thiện, bổ sung các tiêu chuẩn sản phẩm, định mức kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật… đã góp phần từng bước loại bỏ các rào cản đối với việc đưa sản phẩm GKN vào sử dụng tại các công trình xây dựng.
Một kết quả quan trọng khác của dự án là đã biên soạn 5 bộ tài liệu hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng của dự án và thực hiện 21 khóa đào tạo cho 1.475 học viên đến từ 50 tỉnh; tổ chức 15 hội thảo kỹ thuật với sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ 30 tỉnh, thành phố.
Các khóa đào tạo và hội thảo đã tác động trực tiếp đến nhận thức, kiến thức của các đối tượng là cán bộ quản lý VLXD ở địa phương, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất GKN, các Cty tư vấn chế tạo thiết bị, các tổ chức tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công các công trình sử dụng GKN, các tổ chức tài chính…
Đặc biệt, dự án đã thực hiện 3 dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông cốt liệu ở Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng. Các dự án này đã đi vào hoạt động ổn định, cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng, minh chứng được tính khả thi về kinh tế. Cộng dồn đến năm thứ 2, mức tiết kiệm năng lượng của 3 dự án trình diễn là 1.589 TOE, mức giảm phát thải khí nhà kính 6.945 tấn CO2.
Từ thành công của 3 dự án trình diễn, Ban quản lý dự án (BQLDA) GKN cũng đã phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương thực hiện 11 dự án nhân rộng, trong đó 7 dự án đã hoàn thành… Mục tiêu mà dự án GKN hướng đến là đến năm 2019 sẽ nâng tổng số dự án nhân rộng lên con số 21.
Dự án góp phần thực hiện thành công Chương trình phát triển VLXKN
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo, đại diện Bộ Xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Nghiên cứu ứng dụng VLXD nhiệt đới (trường Đại học Xây dựng), nhóm tư vấn truyền thông cùng đại diện các bộ, ngành đánh giá cao những kết quả dự án đạt được.
Thông qua các hoạt động, dự án đã kết nối hiệu quả giữa các nhà đầu tư sản xuất với các nhà chế tạo, cung cấp thiết bị trong và ngoài nước; huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, ngân hàng Vietinbank hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các nhà đầu tư sản xuất GKN.
Dự án đồng thời thúc đẩy và huy động sự vào cuộc tích cực của các cơ quan trung ương và địa phương, các đối tác tham gia thực hiện dự án. Dự án đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (Chương trình 567).
Thị phần GKN đã tăng lên 24% trong tổng sản lượng vật liệu xây.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết thêm: Sau 6 năm thực hiện Chương trình 567, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm GKN chính đến năm 2017 đạt khoảng 7 tỷ viên QTC/năm, sản xuất đạt khoảng 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 24% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2017.
Với sản lượng trên, hàng năm tiết kiệm được gần 10 triệu m3 đất sét (tương đương gần 500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm được 1 triệu tấn than và giảm phát thải ra môi trường 4 triệu tấn CO2.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án GKN cũng tồn tại một số khó khăn. Đó là tập quán sử dụng gạch đất sét nung vẫn còn phổ biến. Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ. Công nghệ sản xuất tiên tiến và kỹ thuật sử dụng GKN chưa được phổ biến rộng rãi. Việc quản lý chất lượng sản phẩm GKN còn nhiều bất cập. Một số công trình sử dụng VLXKN bị nứt, thấm, gây nên tâm lý lo ngại cho người sử dụng. Các chính sách ưu đãi đầu tư và sử dụng GKN chưa đầy đủ và chi tiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận và hưởng thụ. Nguồn vốn ưu đãi cho dự án đầu tư sản xuất GKN còn hạn chế...
Đưa chương trình giảng dạy VLXKN vào hệ thống các trường đào tạo
Trong giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng VLXKN; hoàn thiện chương trình và tài liệu đào tạo để phổ biến kiến thức rộng rãi cho các đối tác sử dụng. Dự án cũng soạn thảo một chương trình VLXKN đưa vào giáo trình giảng dạy VLXD trong trường Đại học Xây dựng và các trường nghề xây dựng.
Dự án gắn kết “3 nhà” nhà quản lý – nhà khoa học – nhà sản xuất trong việc thúc đẩy phát triển VLXKN.
Dự án đồng thời thực hiện các dự án trình diễn tòa nhà sử dụng GKN; hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp thực hiện tiếp 13 dự án nhân rộng sản xuất GKN.
Nhằm nâng cao tính bền vững của dự án, trong 2 năm 2018 – 2019, dự án đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng và nhất là đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng GKN sau khi dự án kết thúc.
Phát biểu kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo dự án GKN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu BQLDA hoàn thiện báo cáo, lan tỏa hiệu quả dự án đến các địa phương.
Trong 27 hoạt động của dự án, đã có 25 hoạt động được triển khai (17 hoạt động đã hoàn thành), Thứ trưởng đề nghị: Đối với 2 hoạt động chưa triển khai là huy động nguồn vốn và trình diễn tòa nhà công trình sử dụng GKN, BQLDA tập trung đẩy mạnh hoạt động huy động vốn trong năm 2019; Bộ Xây dựng sớm lựa chọn và triển khai công trình trình diễn.
Đối với các hoạt động đang triển khai nhưng chưa hoàn thành, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tham gia dự án cố gắng thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, không xin kéo dài, gia hạn dự án.
Dự án cần tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ công nghệ và thiết bị sản xuất GKN, nghiên cứu khắc phục các khuyết điểm của GKN (có thể kết hợp đưa nội dung này vào các công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp Quốc gia).
Thứ trưởng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy phát triển VLXKN; nghiên cứu thêm văn bản, tiêu chuẩn cho việc tăng cường sử dụng tro xỉ trong sản xuất VLXKN, nghiên cứu cơ chế chính sách cho người sử dụng GKN...
Đối với công tác đào tạo, trong 2 năm tới, dự án tiếp tục tăng số lượng lớp và số người tham dự. Các chương trình đào tạo tăng cường nội dung về maketting bán hàng cho các doanh nghiệp sản xuất GKN; mở rộng đối tượng được đào tạo, trong đó có giảng viên các trường nghề xây dựng. Thứ trưởng ủng hộ việc nghiên cứu giáo trình đào tạo VLXKN và đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường đào tạo ngành Xây dựng.
Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa để các thông tin tích cực về VLXKN đến được rộng rãi với mọi người. Việc sản xuất và sử dụng GKN được quảng bá rộng rãi hơn.
Sau cùng, Thứ trưởng đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện dự án hiệu quả hơn nữa.